Dịch học là bộ môn có từ xa xưa, do rất nhiều thánh nhân soạn thành. Bộ Kinh Dịch đứng đầu trong năm bộ kinh thư của Trung Hoa (ngũ kinh), điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cổ nhân về Dịch học. Dịch đã có ảnh hưởng phủ trùm các bộ môn như Kiến Trúc, Thiên Văn, Quân Sự, Võ Thuật, Khí Công, Văn Học… và môn chúng ta thấy rõ nhất là Y Học. Vậy Dịch là gì?
Trong giới hạn lớp học này, tức là ở mức hiểu Dịch và ứng dụng Dịch vào dự trắc, ta có thể hiểu Dịch ở hai ý sau:
- Dịch có nghĩa là Dịch. Tức là biến đổi. Vì sự vật lúc nào cũng biến đổi nên cổ nhân mới tạo ra Dịch, bộ môn chuyên nghiên cứu về sự biến đổi. Ta cũng cần phải hiểu biến đổi ở đây là biến đổi ở mặt trạng thái. Xét chuyện một con ngựa đang chạy trên đường, thì trạng thái của nó là “chạy”, lúc này chưa xét đến dịch vì chưa có sự thay đổi. Đến khi con ngựa dừng lại, tức trạng thái “chạy” chuyển thành “dừng” đó là Dịch.
- Dịch có nghĩa là Bất Dịch. Tức là không biến đổi. Nếu quan sát kỹ, vạn sự trên đời đều thay đổi chớp nhoáng, nhưng trong sự biến đổi đó, luôn có những quy luật không bao giờ thay đổi. Ví như nếu ném hòn đá lên trời, nó sẽ rơi xuống. Bất kể hòn đá đó to nhỏ thế nào, lực ném mạnh nhẹ thế nào, hoặc vật ném không phải là hòn đá thì nó vẫn cứ rơi. Cái “rơi” là quy luật bất biến. Cổ nhân dùng Dịch để tìm ra sự bất biến đó, hòng nắm được quy luật của vũ trụ. Có thể nói Dịch nhìn được vào đường đi bất biến của vạn sự, do đó nó cũng giúp ta tiếp cận Đạo của thiên địa.
Theo nghĩa Dịch là Dịch. Ta hiểu rằng nếu tâm ta yên vị trong một trạng thái nào đó (mừng, lo, yên bình…) thì chưa cần xem Dịch. Nhưng nếu tâm có do dự, băn khoăn, tức là có ý khởi thì trong lúc khởi ý đó mới dùng tới Dịch để dự đoán. Ví dụ như ta đang chở đợi ai đó rất sốt ruột, thì sự sốt ruột đó đã xảy ra rồi, tâm ta đã định trong trạng thái đó. Bỗng chợt ta khởi ý cần xem quẻ, thì ngay khi đó khởi quẻ sẽ có kết quả. Còn như lúc đang sốt ruột, lại xem quẻ liên miên thì chưa chắc có phản hồi đúng.
Theo nghĩa Bất Dịch. Ta hiểu rằng, dùng Dịch hoàn toàn có thể biết được vận mạng, vượng suy của đương thể. Biết được những tính cách cố hữu ẩn tàng của đương sự. Biết được những gì tốt, những gì xấu trong cuộc đời mỗi người để bồi đắp hoặc giảm thiểu. Do đó, có kiến thức tốt về Dịch, ta sẽ rõ được cuộc sống của ta, sắp xếp được nó một cách thuận lợi nhất. Và đôi khi, ta cũng chia sẻ được với bạn bè nhiều lời khuyên đúng đắn.
Dịch thần kỳ như thế. Nhưng ít ai chịu tìm hiểu. Người ta quên mất rằng chủ nhân của vận mạng mình chính là bản thân mình. Chính mình phải là người tìm ra con đường cho mình vì chỉ có mình hiểu mình nhất. Am tường về Dịch, ta có thể tự định đoạt cuộc sống của bản thân mà không cần lậm vào những môn bói toán mê tín của các thuật sĩ giang hồ.